GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 9 NĂM 2013
01. NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ NAM BỘ KHÁNG CHIẾN
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:“Nam bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam; sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Hơn nữa, đây cũng là vùng đất được mệnh danh là “đi trước về sau”, bởi mở đầu và kết thúc hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian nan chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng xuất phát từ nơi “thành đồng Tổ quốc” này. Cách mạng tháng Tám thành công không bao lâu, nhân dân miền Nam đã buộc phải cầm súng bước vào cuộc kháng chiến để bảo vệ hòa bình cho dân tộc. Dưới sự lãnh chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, xứ ủy Nam bộ, sau này là Trung ương Cục, của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, quân dân Nam bộ suốt 30 năm ròng rã (1945 – 1975) kiên cường, bền bỉ chiến đấu, để đạt đến mục đích cuối cùng, đó là Đại thắng mùa Xuân 1975 – giải phóng hoàn toàn miền Nam. Chính những thành công đó đã thôi thúc những nhà sử học, nhà chính trị học, nghiên cứu, sưu tầm và tập hợp thành quyển sách Những chặng đường lịch sử Nam bộ kháng chiến do Nxb Lao động phát hành năm 2011.
Sách gồm các phần như sau:
Phần thứ nhất: NAM BỘ KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (TỪ CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẾN ĐẦU THẾ KỶ XX)
Gồm các chương:
Chương I: Nam kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (lần thứ I) – Sự biến đổi kinh tế xã hội Nam kỳ từ cuối thế kỷ XIX
Chương II: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân Nam kỳ
Chương III: Chuẩn bị khởi nghĩa và Tổng khởi nghĩa tháng Tám
Phần thứ hai: NAM BỘ KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC 1945 -1954Gồm các chương:
Chương I: 28 ngày đêm chuẩn bị kháng chiến (từ ngày 25/8/1945 đến ngày 23/9/1945)
Chương II: Mở đầu kháng chiến
Chương III: Cùng toàn quốc kháng chiến
Chương IV: Góp phần đánh thắng xâm lược Pháp và can thiệp Mỹ - Hiệp định Gơneve 1954
Chương V: Đoàn kết sát cánh với nhân dân Campuchia chống thực dân Pháp xâm lược
Phần thứ ba: TỪ HIỆP ĐỊNH GƠNEVE ĐẾN NĂM 1975Gồm các giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất: Từ đấu tranh thi hành Hiệp định Gơneve 1954 đến Đồng Khởi 1960
Giai đoạn thứ hai: Đánh thắng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ”
Giai đoạn thứ ba: Đánh bại một bước chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ
Giai đoạn thứ tư: Đánh thắng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ”
Giai đoạn thứ năm: Giải phóng miền Nam
Kết luậnTổng luận
Những chặng đường lịch sử Nam bộ kháng chiến là một tác phẩm lớn, chứa đựng nhiều tư liệu lịch sử quý báu, tập trung phản ánh cuộc đấu tranh cách mạng của Việt Nam diễn ra trên vùng đất Nam bộ trong giai đoạn từ những năm đầu của thế kỷ XX đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng qua ba thời kỳ: chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam, chống bọn Pôn Pốt xâm lược.
Mời các bạn tìm đọc !
Ký hiệu: 959./ NH556CH
Thùy Nhung
02. 65 NĂM TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN (1946-2011)
Vào năm 1945, đất nước ta hân hoan đón nhận hai sự kiện lịch sử nổi bậc, Cách mạng tháng Tám thành công và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhà nước non trẻ này mới ra đời chưa được bao lâu, tổ chức và trang bị còn thô sơ, nền kinh tế vốn nghèo nàn, lạc hậu bởi hậu quả của chiến tranh nay lại phải tiếp tục đương đầu với thử thách mới. Trước tình hình đất nước lâm nguy, hưởng ứng lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Nam bộ anh dũng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược.
Sau hơn 65 năm mở đầu Toàn quốc kháng chiến, những chủ trương lãnh đạo, những đối sách trong quan hệ ngoại giao của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như tinh thần chiến đấu bất khuất, kiên cường của quân và dân ta đã mang lại nhiều thành công và giá trị trong sự nghiệp xây dưng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó là nội dung mà quyển sách 65 năm toàn quốc kháng chiến do Nxb QĐND phát hành năm 2011 muốn gửi đến độc giả.
Sách chia thành các phần như sau:
Phần thứ nhất: ĐẤU TRANH BẢO VỆ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG, CHUẨN BỊ LỰC LƯỢNG SẮN SÀNG KHÁNG CHIẾN
Phần thứ hai: TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN
Phần thứ ba: MỘT SỐ VĂN KIỆN VỀ TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN
Phần thứ tư: 65 NĂM TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN – KÝ ỨC LỊCH SỬ VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM XÂY DỰNG, BẢO VỆ TỔ QUỐC
Toàn bộ quyển sách đã tái hiện lại bối cảnh đất nước sau năm 1945, về quan điểm, đường lối lãnh đạo của Đảng ta trong đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng; diễn biến toàn quốc kháng chiến; các văn kiện chỉ đạo kháng chiến và các bài viết của các vị tướng lĩnh, các nhà khoa học bàn về ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc kháng chiến này.
Mời các bạn tìm đọc!
Ký hiệu: 959.7041/ S111M
03. PHONG TRÀO DÂN TỘC DÂN CHỦ Ở NAM KỲ 1930-1945, NGHIÊN CỨU QUA TÀI LIỆU LƯU TRỮ
Quyển sách Phong trào dân tộc dân chủ ở Nam kỳ 1930 -1945, Nghiên cứu qua tài liệu lưu trữ, do nữ Tiến sĩ Phạm Thị Huệ một nhà Hán Nôm học, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV – nơi bảo quản Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam: Kho tàng Mộc bản triều Nguyễn biên soạn. Đây là công trình nghiên cứu lịch sử thuộc giai đoạn đầu của cách mạng Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (sau này đổi tên là Đảng Cộng sản Đông Dương) với những tư liệu mới được công bố lần đầu tiên.
Sách gồm những nội dung chính như sau:
Chương một: Phong trào dân tộc dân chủ ở Nam kỳ giai đoạn 1930 -1935
Trong thời gian này, Nam kỳ là nơi hình thành nhiều tổ chức cộng sản, nơi có phong trào công nhân, nông dân dấy lên rất mạnh mẽ và sôi nổi. Nhiều hoạt động đấu tranh diễn ra gắn với các địa danh nổi tiếng như Xưởng đóng tàu Bason, đềpô xe lửa Dĩ An, đồn điền cao su Phú Riềng…
Chương hai: Cuộc vận động dân chủ ở Nam kỳ giai đoạn 1936 – 1939
Trong thời kỳ này, Việt Nam đứng trước nguy cơ chiến tranh và chủ nghĩa phát xít. Trước thời vận thay đổi, nhiều Đảng viên cộng sản ở Nam kỳ đã tìm cách khôi phục tổ chức và lực lượng, tập hợp quần chúng yêu nước đứng lên đánh giặc.
Chương ba: Cuộc vận động giải phóng dân tộc ở Nam kỳ giai đoạn 1939 – 1945
Ở giai đoạn này, đỉnh cao là cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ vào tháng 11 năm 1940. Đến giai đoạn 1941 – 1945 đánh dấu nhiều sự kiện lịch sử nổi bật ở vùng đất này như: sự hình thành hai xứ ủy Tiền phong và Giải phóng, sự ra đời và hoạt động của Thanh niên Tiền Phong…
Kết luận
Phụ lục
Với bề dày lịch sử và truyền thống đấu tranh anh dũng, bền bỉ của quân và dân Nam bộ đã được sử sách lưu truyền và có ý nghĩa trên cả hai phương diện khoa học và thực tiễn. Đây không phải là một đề tài mới, nhưng nội dung quyển sách tập trung khai thác triệt để các nguồn tài liệu lưu trữ, nhất là tài liệu của chính quyền thực dân Pháp, nhằm khắc họa đầy đủ hơn quá trình vận động cách mạng ở Nam kỳ từ năm 1930 đến 1945. Đặc biệt những tư liệu này được lưu trữ và bảo quản ở Trung tâm lưu trữ quốc gia II – Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước; Cục Hồ sơ nghiệp vụ an ninh, Bộ Công an; Cục Lưu trữ, Văn phòng Trung ương Đảng; Phòng Tư liệu – Viện Lịch sử Đảng; Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại Pháp... lần đầu tiên được khai thác và công bố. Đồng thời đây cũng là một tài liệu vô giá và bổ ích.
Mời các bạn tìm đọc!
Ký hiệu: 959.7032/ PH431TR
Thùy Nhung
04. DI CHÚC CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VÀ NHỮNG ĐỊA DANH LỊCH SỬ GẮN VỚI CUỘC ĐỜI CÁCH MẠNG CỦA NGƯỜI
Chúng ta mạnh dạng khẳng định rằng cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn vì nước vì dân. Thực vậy, sau hơn ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước nơi đất khách, đến ngày 2 tháng 9 năm 1945, Bác Hồ thay mặt quốc dân đọc bảng Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Ngay sau cách mạng tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh được toàn dân bầu làm Chủ tịch nước. Với cương vị caoquý ấy, tư tưởng cách mạng và khoa học của Người được thể chế bằng hiến pháp và pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1946). Cùng với Đảng cộng sản và tư tưởng của Bác đã dẫn dắt dân tộc ta đi đến thắng lợi ở cả hai cuộc chiến tranh lớn chống thực dân và đế quốc. Trước lúc đi xa, Bác đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bản Di chúc thiêng liêng. Đó là Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những địa danh lịch sử gắn với cuộc đời cách mạng của Người do Nxb Lao động phát hành năm 2013.
Quyển sách chia thành các phần như sau:
Phần I: Bản di chúc lịch sử
Giới thiệu nguyên văn các bản Di chúc của Bác. Di chúc năm 1965 là bản đánh máy. Di chúc năm 1968 và 1969 là bản viết tay.
Phần II: Quê hương yêu dấu
Nơi Bác sinh ra và nơi Bến Nhà rồng tiễn Người xuất dương.
Phần III: Những năm tháng tìm đường cứu nước ở hải ngoại
Những nơi Bác đã đến như Mỹ, Anh, Pháp, Liên Bang Nga, Xiêm và cuối cùng là Trung Quốc.
Phần IV: Việt Nam – Những địa danh lịch sử nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo Tổng khởi nghĩa và kháng Pháp.
Đó là những nơi làm căn cứ kháng chiến Bác đã đặt chân đến, như: Cao Bằng - nơi đầu tiên Bác trở về sau 30 năm; Tuyên Quang - nơi có những quyết định lịch sử; Hà Nội; An toàn khu Việt Bắc - nơi Bác lãnh đạo kháng chiến chống Pháp; An toàn khu Bắc Cạn….
Phần V: Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1954 – 1969)
Bác đã chỉ đạo nhân dân miền Bắc đấu tranh đi đến thắng lợi, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với miền Nam, Bác cũng dành một tình thương bao la.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những địa danh lịch sử gắn với cuộc đời cách mạng của Người là toàn bộ tâm huyết, là một Di sản vô cùng quý báu mà Bác Hồ kính yêu dành cho dân tộc Việt Nam.
Mời các bạn tìm đọc !
Ký hiệu: 959.704092/ D300CH
Thùy Nhung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét