NỒI BÁNH TÉT GIA ĐÌNH TÔI
Hàng năm, từ sau vụ lúa mùa, tức khoảng giữa tháng chạp, người dân miền sông nước Nam bộ bắt đầu lo xay lúa, xay nếp để chuẩn bị tráng bánh, nào là bánh tráng trắng hay bánh tráng ngọt có rắc mè để nướng hay ăn sống, bánh tráng mỏng để gói chả giò, làm bánh cuốn... Bánh tráng làm bằng bột gạo, thông thường vào khoảng mùng mười, mười một tháng chạp thì bắt đầu làm. Còn ban đêm, thì quết bánh phồng liên hồi, tạo âm thanh vui nhộn, vì nhà này làm dần công nhà kia, bánh phồng làm bằng nếp. Ngoài ra, các bà nội trợ cũng bắt đầu chọn ngày để làm dưa cải, dưa kiệu, cà rốt, củ cải... để cho kịp ăn trong ba ngày Tết, cũng như còn phải mua sắm quần áo mới cho cả nhà từ mấy tháng trước. Nhà nào có trồng những cây mai trước nhà, cũng chuẩn bị lặt lá mai từ hôm rằm tháng chạp, để kịp nở đúng vào dịp Tết.
Hàng năm, từ sau vụ lúa mùa, tức khoảng giữa tháng chạp, người dân miền sông nước Nam bộ bắt đầu lo xay lúa, xay nếp để chuẩn bị tráng bánh, nào là bánh tráng trắng hay bánh tráng ngọt có rắc mè để nướng hay ăn sống, bánh tráng mỏng để gói chả giò, làm bánh cuốn... Bánh tráng làm bằng bột gạo, thông thường vào khoảng mùng mười, mười một tháng chạp thì bắt đầu làm. Còn ban đêm, thì quết bánh phồng liên hồi, tạo âm thanh vui nhộn, vì nhà này làm dần công nhà kia, bánh phồng làm bằng nếp. Ngoài ra, các bà nội trợ cũng bắt đầu chọn ngày để làm dưa cải, dưa kiệu, cà rốt, củ cải... để cho kịp ăn trong ba ngày Tết, cũng như còn phải mua sắm quần áo mới cho cả nhà từ mấy tháng trước. Nhà nào có trồng những cây mai trước nhà, cũng chuẩn bị lặt lá mai từ hôm rằm tháng chạp, để kịp nở đúng vào dịp Tết.
Gia đình tôi cũng vậy, từ việc chuẩn bị sơn lại nhà, quét dọn ngoài vườn đến việc trang trí trong nhà cửa để đón năm mới. Đến ngày 30 Tết (nếu tháng thiếu thì 29), là mọi thứ đã được sắp xếp đâu vào đó. Để đón Tết không thể thiếu nồi bánh tét được, đặc biệt là bánh tét nhân chuối do chính tay mẹ tôi làm, vì cả nhà tôi, ngay cả thằng con tôi, cũng bị “di truyền” đều thích ăn nhân chuối. Chồng tôi ban đầu cũng chưa quen, nhưng vốn tính dễ ăn, dần dần cũng thích nghi, chớ không ca thán gì. Mẹ tôi cũng gói vài cặp bánh nhân đậu xanh để cúng và để làm quà biếu bà con mà thôi.
Có nhà gói bánh vào ngày mùng một hay mùng hai Tết, nhưng điều đáng nói ở đây là năm nào cũng vậy, mẹ tôi thường gói bánh vào trưa ngày 30 hoặc 29 nếu tháng thiếu, còn nếu không làm vào ngày này thì thôi. Nói vậy chứ, dù bận rộn hay vất vả đến đâu, chưa năm nào nhà tôi ăn tết mà thiếu bánh tét. Bạn có biết vì sao mẹ tôi lại “định” ngày như vậy không? Bởi vì quan niệm của mẹ tôi và của cả gia đình tôi “ăn Tết” là: ăn rồi đi chơi, về nhà ngủ, nghỉ, rồi lại ăn và…tiếp tục đi chơi chớ không phải làm việc gì hết, vì mình đã lo làm tất bật suốt một năm qua rồi, cho nên Tết đến là dịp để mình thong thả đi chơi, đi thăm bà con họ hàng…
Để có được những đòn bánh tét thơm lừng, trông đẹp mắt lại đậm đà hương vị miền Nam, mẹ tôi phải chuẩn bị từ bốn, năm ngày trước. Đầu tiên, mẹ tôi đi mua chuối, phải chọn những nải chuối xiêm chín vừa chín tới, vàng ươm, đều, không giập nát, đặc biệt là không được chín ép, đem về chờ cho chín mùi, vì chuối chín như vậy, khi cắt bánh ra, miếng chuối đỏ đậm, trông mới ngọt lịm làm sao! Tiếp đến, là nếp, dừa khô, lá chuối, dây chuối để buộc bánh. Lá chuối phải là lá chuối xiêm, sau khi rọc lá ra rồi, mẹ tôi dùng sống lá để tước dây. Lá và dây được phơi khô và lau thật sạch.
Kế đó là khâu chuẩn bị nếp. Phải chọn mua cho được nếp thật dẻo thì bánh mới ngon. Nếp mang về vo và ngâm một đêm, vớt ra để ráo, vắt nước dừa khô vào (nếu gói nhân đậu xanh thì có thể dùng lá cẩm hoặc lá dứa để trộn vào cùng nếp), sau đó cho vào cái chảo lớn, rồi xào, xào liền tay kẻo khét thì coi như hỏng việc. Xào đến khi nước dừa đã thấm hết vào những hạt nếp, thì nhắc xuống, để nguội. Bánh tét miền Nam khác ở miền Bắc ở chổ này.
Trong khi mẹ tôi xào nếp, thì tôi chuẩn bị phần chuối. Chuối cắt làm bốn theo chiều dọc, sau đó ướp chút đường, muối để cho thấm khoảng hai hay ba tiếng đồng hồ. Khâu chuẩn bị đã xong, đến phần gói bánh.
Sau khi ăn cơm trưa xong, trãi một chiếc chiếu lớn ở sàn nhà bếp, cả nhà tôi quây quần chuẩn bị cho nồi bánh tét đón Xuân. Không biết mọi người ra sao, chứ trong lòng tôi lúc đó trào dâng lên một cảm xúc khó tả. Mặc dù mấy hôm trước, tôi cùng gia đình lo sắm sửa, chỉnh trang lại những thứ còn bộn bề trong nhà, cũng đã muốn đứt hơi rồi, nhưng hôm nay, trong không khí đầm ấm, sum họp của cả gia đình ngày cuối năm, mọi mệt nhọc trong tôi dường như tan biến, để hướng đến những điều tốt lành vào năm mới đang đến gần.
Mẹ tôi là người gói bánh, công đoạn gói cũng đơn giản. Trải lá chuối ra, cho nếp vào, dàn đều rồi xếp chuối vào theo chiều dọc của đòn bánh, gói tròn dài, lấy lá chuối xé nhỏ làm lá bịt đầu, gióng hai đầu lại, rồi bỏ ra cho cả nhà buộc bánh. Khâu buộc bánh cũng không kém phần quan trọng quyết định độ dẻo của bánh, phải buộc thật chặt, thật đều tay, sao cho đòn bánh tét vuông vứt, nếu không thì một đầu lớn, một đầu nhỏ, trông chẳng đẹp mắt chút nào, còn nếu buộc lỏng tay, khi nấu, bánh sẽ bị xì ra, và khi cắt ra, bánh dễ bị bể. Riêng bản thân tôi, đã không biết gói bánh, lại không biết buộc nữa, nên tôi dành phần chuẩn bị củi để nấu.
Lúc này là xế chiều, bánh đã gói xong, được xếp vào một cái nồi lớn, ở phía dưới có lót lá mù u để bánh không bị thiu, bánh để được hơn một tuần, cùng với vài cọng lá dứa để bánh được thơm hơn. Trong khi nấu, thỉnh thoảng xoay trở bánh để bánh chín đều, không bị sượng một bên, và phải để thùng nước lạnh kế bên, phòng khi nước trong nồi cạn thì châm vào. Mẹ tôi kỵ nhất là cạn nước, vì một khi lửa đã bén thì không bao lâu nồi bánh sẽ bị khét, gói bánh tét đón Tết mà bị khét như vậy là coi như năm đó thật xui xẻo, mọi thứ đều cạn kiệt như…nồi bánh tét. Cho nên mẹ tôi cũng rất chú trọng khâu này.
Bây giờ là sáu giờ chiều, thời gian nấu bánh của gia đình tôi là sáu tiếng đồng hồ, như vậy, năm nào cả nhà tôi cũng đón Giao thừa lúc bánh vừa chín tới. Bánh được vớt ra và treo lên một cái giàn để thoáng và ráo. Đến lúc này, thành quả của mấy ngày trước đây cả gia đình tôi bỏ công chuẩn bị, đã được mỹ mãn. Đĩa bánh được mang lên bàn thờ cúng tổ tiên trong giờ phút giao thừa. Trong giây phút thiêng liêng đó, mọi người cùng khấn nguyện và cầu mong mọi điều tốt đẹp và may mắn sẽ đến với mọi nhà. Những khoanh bánh đã được cắt ra, tỏa hương ngào ngạt, thơm phức. Bên ngoài là vỏ bánh được kết hợp giữa nếp và nước cốt dừa, tạo ra một hỗn hợp bánh vừa béo, vừa thơm hương lá dứa. Bên trong là một màu đỏ thắm của chuối. Màu đỏ cũng là màu tượng trưng cho sự vui vẻ, sung mãn. Do đó sự kết hợp hài hòa, tinh tế giữa nếp và chuối tạo nên một đòn bánh tét ngon, thơm đẹp mắt thể hiện được không khí vui tươi, ấm cúng, sum vầy, đậm đà hương vị ngày Tết mà ông bà ta đã lưu truyền cho đến ngày nay. Bánh tét nhân chuối là một trong những loại bánh được ưa chuộng ở Nam bộ nói chung và của gia đình tôi nói riêng.
T.N
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét